Tìm hiểu xu hướng nhượng quyền đến năm 2020
Thị trường ẩm thực chuỗi tại Việt Nam vẫn còn tiềm năng rất lớn. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cần phải hết sức bình tĩnh và kiên nhẫn khi lên kế hoạch
Bài viết của chị Nguyễn Phi Vân (Founder Retail & Franchise Asia) đăng trong Group FB Quản trị và Khởi nghiệp.
Nhượng quyền là hình thức phát triển thương hiệu phổ biến nhất trong ngành ẩm thực. Hầu hết những thương hiệu ẩm thực nổi tiếng nhất trên thế giới mà mọi người đều biết đến như Mc Donald’s, KFC, Pizza Hut, Starbucks đều phát triển ở tầm vóc quốc tế thông qua hình thức nhượng quyền.
Cũng vì vậy, nhiều người lầm tưởng nhượng quyền đồng nghĩa với ẩm thực. Trên thực tế, nhượng quyền được áp dụng cho rất nhiều ngành nghề khác nhau, ngoài ẩm thực còn áp dụng rộng rãi cho tất cả các mô hình bán lẻ và mô hình dịch vụ. Tuy nhiên, do có sự khác biệt về nhu cầu giữa thị trường phát triển và thị trường đang phát triển, xu hướng nhượng quyền của hai khu vực thị trường này cũng hoàn toàn trái ngược nhau.
Tại triển lãm nhượng quyền quốc tế diễn ra ở London ngày 17 & 18 tháng 2 năm nay, hơn 70% các doanh nghiệp nhượng quyền tham dự triển lãm để tìm kiếm đối tác nhận quyền nằm trong các lĩnh vực bán lẻ phi truyền thống và dịch vụ.
Tương tự như thế, xu hướng chung tại các quốc gia đã phát triển như Bắc Mỹ, Úc, Tây Âu, Bắc Á, ngành nhượng quyền đang chuyển hướng phát triển mạnh trong các ngành bán lẻ phi truyền thống và dịch vụ.
Bán lẻ phi truyền thống là các mô hình được xây dựng dựa trên nền tảng thương mại điện tử, nền tảng di động, và mô hình bán hàng tự động. Trong khi đó, dịch vụ hiện đang phát triển mạnh về nhượng quyền vô cùng đa dạng, từ dịch vụ cho doanh nghiệp như coaching, tư vấn doanh nghiệp, huấn luyện, bảo hiểm, thuế, marketing online, marketing di động, đến các dịch vụ cho gia đình như sửa mái nhà, vệ sinh, cắt cỏ, sửa ống nước, sửa điện, hay các dịch vụ giáo dục và y tế như dạy kèm tại gia, sinh hoạt giải trí với âm nhạc cho người già và trẻ em, dịch vụ chăm sóc người già tại gia, vv.
Dự đoán từ nay đến năm 2020, các ngành dịch vụ và bán lẻ phi truyền thống sẽ tiếp tục phát triển mạnh tại các thị trường đã phát triển. Sau khi thị trường bão hoà, các dịch vụ này chắc chắn sẽ bắt đầu chuyển hướng sang thị trường đang phát triển trong đó có Việt Nam.
Ngược lại, xu hướng chung của thị trường đang phát triển vẫn tập trung nhượng quyền các ngành ẩm thực và bán lẻ truyền thống.
Theo dự đoán của Euromonitor, các thị trường trọng điểm của ngành ẩm thực trong tương lai sẽ tập trung chủ yếu tại 4 khu vực thị trường bao gồm UAE, Ấn độ, Đông Nam Á, và Trung quốc. Từ nay đến 2020, UAE và Ấn độ đều dự kiến tăng trưởng 6% mỗi năm, Trung quốc ở mức 6.7% mỗi năm.
Tại khu vực Đông Nam Á, tất cả các thị trường đều phát triển mạnh. Tuy nhiên, 3 thị trường nổi bật nhất từ nay đến năm 2020 sẽ là Indonesia, Phillipines và Việt Nam. Phillipines dự đoán sẽ dẫn đầu khu vực với mức tăng trưởng chuỗi 7% mỗi năm, nâng tổng giá trị ngành ẩm thực chuỗi từ 5.5 tỷ USD năm 2015 lên đến 7.5 tỷ USD năm 2020, cao hơn cả các thị trường phát triển như Ý, Nga, hay Saudi Arabia.
Tại Việt Nam, dự kiến tăng trưởng chuỗi ở mức 15% mỗi năm, với tổng giá trị tăng trưởng chuỗi ẩm thực từ 612 triệu USD năm 2015 lên đến 1,2 tỷ USD năm 2020.
Thị trường ẩm thực chuỗi tại Việt Nam vẫn còn tiềm năng rất lớn. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cần phải hết sức bình tĩnh và kiên nhẫn khi lên kế hoạch phát triển số lượng chi nhánh do thực tế tốc độ phát triển kinh tế và thành thị hoá tại thị trường nội địa.
Mặc dù ẩm thực giữ ưu thế là ngành dẫn đầu tại các thị trường đang phát triển trong đó có Việt Nam, ngành bán lẻ truyền thống và một số ngành dịch vụ sẽ phát triển song song từ nay đến năm 2020. Bán lẻ truyền thống vẫn tập trung phần lớn ở khu vực siêu thị, cửa hàng tiện lợi, đại siêu thị, siêu thị mini…
Các ngành dịch vụ nhượng quyền sẽ tập trung chủ yếu về giáo dục cho trẻ em, dịch vụ huấn luyện, coaching, tư vấn doanh nghiệp, dịch vụ bất động sản, dịch vụ sức khoẻ và làm đẹp cá nhân như phòng tập thể dục, spa, massage, trung tâm thẩm mỹ, dịch vụ y tế cho người già….
Xu hướng chung sẽ tập trung vào việc mua nhượng quyền quốc tế đưa vào kinh doanh tại thị trường Việt Nam. Việc các doanh nghiệp Việt Nam có thể xây dựng mô hình và sử dụng hình thức nhượng quyền để phát triển tại thị trường nội địa và ra thị trường khu vực hay quốc tế sẽ vẫn còn nhiều hạn chế, chủ yếu do thiếu kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực này.
Leave a Reply